Đối với các loại thuế thông thường như: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…thì đối tượng chịu thuế xác định một cách khá đơn giản. Tuy nhiên đối với Thuế nhà thầu thì việc xác định nghĩa vụ nộp thuế có phần phức tạp hơn. Dưới đây là một ví dụ điển hình của một bạn đã hỏi. Công ty C là khách hàng (buyer) của Công ty A muốn mua từ Công ty A sản phẩm X, tuy nhiên Công ty A không có hàng hóa theo yêu cầu nên đặt hàng với Công ty B sản phẩm X này, đồng thời yêu cầu giao hàng cho Công ty C. Lúc này, Công ty B giao cho công ty con ở Việt Nam là Công ty B-1 sản xuất sản phẩm này và giao sản phẩm đó cho Công ty C (giữa Công ty A và Công ty B-1 không có bất kỳ quan hệ ký kết gì). Hình thức thanh toán là Công ty C thanh toán tiền hàng cho Công ty A, Công ty A thanh toán lại cho Công ty B và Công ty B chuyển lại số tiền hàng đó cho Công ty B-1 dưới hình thức ngoại tệ. (Thời hạn thanh toán tùy theo Hợp đồng ký kết giữa các bên). Với giao dịch như trên thì nghĩa vụ thuế của các bên liên quan như thế nào? Cụ thể, theo doanh nghiệp được biết thì sẽ phát sinh thuế nhà thầu nước ngoài, đề nghị hướng dẫn cách khai và nộp thuế nhà thầu nước ngoài trong giao dịch này. Trả lời: Tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 60/2012/TT-BTC ngày 12/4/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam hướng dẫn về đối tượng áp dụng: “1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thoả thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu. 2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hoá tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng ký giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ trường hợp gia công và xuất trả hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) hoặc cung cấp hàng hoá theo điều kiện giao hàng DDP, DAT, DAP (Các điều khoản thương mại quốc tế – Incoterms). Ví dụ 1: – Trường hợp 1: doanh nghiệp X ở nước ngoài ký hợp đồng mua vải của doanh nghiệp Việt Nam A, đồng thời chỉ định doanh nghiệp A giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam B (theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật). Doanh nghiệp X có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng ký giữa doanh nghiệp X với doanh nghiệp B (doanh nghiệp X bán vải cho doanh nghiệp B). Trong trường hợp này, doanh nghiệp X là đối tượng áp dụng theo quy định tại Thông tư này và doanh nghiệp B có trách nhiệm khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho doanh nghiệp X theo quy định tại Thông tư này. – Trường hợp 2: doanh nghiệp Y ở nước ngoài ký hợp đồng gia công vải với doanh nghiệp Việt Nam C, đồng thời chỉ định doanh nghiệp C giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam D để tiếp tục sản xuất (theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật). Doanh nghiệp Y có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng ký giữa doanh nghiệp Y với doanh nghiệp D (doanh nghiệp Y bán hàng cho doanh nghiệp D). Trong trường hợp này, doanh nghiệp Y là đối tượng áp dụng theo quy định tại Thông tư này và doanh nghiệp D có trách nhiệm khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho doanh nghiệp Y theo quy định tại Thông tư này. – Trường hợp 3: doanh nghiệp Z ở nước ngoài ký hợp đồng gia công hoặc mua vải với doanh nghiệp Việt Nam E (doanh nghiệp Z cung cấp nguyên vật liệu cho doanh nghiệp E để gia công) và chỉ định doanh nghiệp E giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam G để tiếp tục gia công (theo hình thức gia công xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật). Sau khi gia công xong, Doanh nghiệp G xuất trả lại hàng cho Doanh nghiệp Z và Doanh nghiệp Z phải thanh toán tiền gia công cho doanh nghiệp G theo hợp đồng gia công. Trong trường hợp này, doanh nghiệp Z không thuộc đối tượng áp dụng theo quy định tại Thông tư này.” Căn cứ Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. Theo nội dung trình bày của đơn vị nêu trên, thì giữa Công ty A (ở nước ngoài) có ký kết Hợp đồng bán hàng hoá X cho Công ty C (ở Việt Nam). Công ty A đặt hàng X ở Công ty B (ở nước ngoài), Công ty B giao cho Công ty B-1 ( là Công ty con của B ở Việt Nam) sản xuất và giao hàng X cho Công ty C. Giữa Công ty A và Công ty B-1 không có bất kỳ quan hệ ký kết). Vì vậy, trong trường hợp này, cơ sở để xem xét nghĩa vụ thuế của Nhà thầu nước ngoài là trên cơ sở Hợp đồng giữa Công ty A và Công ty C. Căn cứ theo các quy định nêu trên và nội dung giải trình, trường hợp Công ty A là nhà thầu nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng với tổ chức Việt Nam (Công ty C) thì Công ty A thuộc đối tượng áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư số 60/2012/TT-BTC nêu trên. Việc khai, nộp thuế của Nhà thầu nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 28/2011/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế nêu trên. Nguồn: tuvanketoan24h